Thông tin báo chí về Lễ khởi công dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam (Đoạn TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây)
Ngày 03 tháng 10 năm 2009 tại Tp. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ chính thức phát lệnh khởi công Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam (đoạn Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây).
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Ngày 03 tháng 10 năm 2009 tại Tp. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ chính thức phát lệnh khởi công Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam (đoạn Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây). Đây là dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc với thiết kế hiện đại, xây dựng theo các công nghệ tiên tiến quốc tế. Dự án sau khi hoàn thành sẽ là tiền đề cho sự phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng các tỉnh có tuyến đường đi qua nói riêng và khu tam giác kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ nói chung.
Dự án xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây là dự án đặc biệt quan trọng thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Dự án đi qua địa phận Quận 2, Quận 9 thuộc Tp. Hồ Chí Minh và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ và Thống Nhất thuộc tỉnh Đồng Nai, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại văn bản số 56/TTg-CN ngày 10/01/2007, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tại Quyết định số 334/QĐ-BGTVT ngày 13/02/2007 và điều chỉnh Dự án tại Quyết định số 2445/QĐ-BGTVT ngày 08/8/2008.
Dự án có chiều dài 55 km gồm 4 làn xe (giai đoạn 1) với điểm đầu tuyến (Km0+000) là nút giao An Phú, thuộc Quận 2, TP. Hồ Chí Minh và điểm cuối (Km54+983) tại nút giao với Quốc lộ 1A tại Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai (khoảng lý trình Km1829+800 Quốc lộ 1A), thuộc trục giao thông Bắc–Nam.
Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN5729-97. Tốc độ thiết kế là 120 km/h, riêng cầu Long Thành, tốc độ thiết kế là 100 km/h.
Toàn tuyến được chia thành 2 đoạn như sau:
– Đoạn nút giao An Phú – Long Thành (được tài trợ bởi nguồn vốn ODA của JICA): có chiều dài 23,9 km, đi qua Quận 2, Quận 9 thuộc TP. Hồ Chí Minh, các huyện Nhơn Trạch và Long Thành thuộc tỉnh Đồng Nai.
+ Giai đoạn I: bề rộng nền đường 27,5 m gồm 4 làn xe, hai làn dừng xe khẩn cấp, dải phân cách, dải an toàn và lề trồng cỏ.
+ Giai đoạn II: bề rộng nền đường 42,5 m gồm 8 làn xe, khổ cầu phù hợp với khổ đường.
– Đoạn Long Thành – Dầu Giây (được tài trợ bởi vốn vay OCR của ADB): có chiều dài 31,1 km, đi qua các huyện Long Thành, Cẩm Mỹ và Thống Nhất thuộc tỉnh Đồng Nai.
+ Giai đoạn I: bề rộng nền đường 27,5 m gồm 4 làn xe, hai làn dừng xe khẩn cấp, dải phân cách, dải an toàn và lề trồng cỏ.
+ Giai đoạn II: bề rộng nền đường 35 m gồm 6 làn xe, khổ cầu phù hợp với khổ đường.
Các công trình trên tuyến gồm 20 cầu cỡ vừa và nhỏ, 1 cầu lớn – cầu Long Thành với chiều dài khoảng 1.700 m. Các công trình, thiết bị phục vụ khai thác bao gồm: Hệ thống thu phí theo hình thức khép kín với 03 trạm thu phí, 01 Trung tâm điều khiển đường cao tốc, 02 trụ sở hạt quản lý cầu đường, 01 trạm nghỉ và dịch vụ kỹ thuật, các dịch vụ dọc tuyến.
Công tác giải phóng mặt bằng được tách thành tiểu dự án thành phần giao cho UBND các tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua thực hiện theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1665/TTg-CN ngày 17/10/2006.
Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là 932,4 triệu USD, chưa kể 4 km Thành phố mới chuyển giao trong đó:
– Vốn vay ODA của JICA (thực hiện theo cơ chế cho vay lại): 516,5 triệu USD.
– Vốn vay OCR của ADB (thực hiện theo cơ chế cho vay lại): 410,2 triệu USD.
– Vốn đối ứng (VEC tự huy động): 5,7 triệu USD.
Toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng dự án do VEC vay lại (không có ngân sách cấp phát) và dự kiến hoàn vốn sau 20 năm khai thác thu phí, với mức phí là 900 Đồng/Km/PCU.
Dự án được chia thành các gói thầu xây lắp và gói thầu ITS (trung tâm quản lý điều hành, hệ thống thu phí, hệ thống giám sát và thông tin liên lạc), dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác năm 2012. Công tác tuyển chọn nhà thầu cho các gói thầu xây lắp thuộc Dự án được thực hiện theo hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế (ICB).
Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là doanh nghiệp nhà nước được thành lập theo Quyết định số 3033/QĐ-BGTVT ngày 6/10/2004 của Bộ Giao thông vận tải trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ tại văn bản số 1245/CP-ĐMDN ngày 01/9/2004 được giao làm Chủ đầu tư dự án. VEC sử dụng nguồn vốn để đầu tư xây dựng, khai thác, thu phí hoàn vốn và tái đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc quốc gia. Công ty luôn chủ động hợp tác với các tổ chức tài chính, các đối tác hợp tác trong và ngoài nước để tạo nguồn vốn đầu tư cho các dự án được giao, cũng như nghiên cứu các hình thức đầu tư phù hợp cho loại hình đường cao tốc thu phí. Hiện nay, cùng với Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam (đoạn Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây), VEC đồng thời cũng đang triển khai 2 dự án đường cao tốc khác là: Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình dài 50km với tổng mức đầu tư là 7.692 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2010; Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai dài 264 km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 19.984 tỷ đồng (tương đương 1.249 triệu USD). VEC cũng được Chính phủ giao chuẩn bị đầu tư 3 dự án đường cao tốc khác là đường cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn, Hạ Long-Móng Cái và Bến Lức-Long Thành.
Nguồn http://www.mt.gov.vn/