Cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây: Nhà thầu nội được “chọn mặt, gửi vàng”

 

Chủ đầu tư VEC vừa ký hợp đồng trao thầu 2 gói thầu số 7 và 8 thuộc dự án thành phần 1 tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Đây đều là những gói thầu thuộc loại khá “xương” do phải thi công trong điều kiện thời gian rất ngắn, vướng GPMB,… nhưng những người được “chọn mặt gửi vàng” đều là những nhà thầu trong nước.

Ngày 7/12, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) và hai liên danh nhà thầu Tổng công ty Xây dựng đường thủy – Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành; Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn – Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường đã tiến hành ký hợp đồng thi công xây dựng gói thầu số 7 và số 8 dự án thành phần 1, thuộc Dự án đường cao tốc Bắc – Nam đoạn TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Gói số 7 dài 2 km, gồm một nút giao, hơn 600 m cầu, hệ thống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng,.. do Liên danh Xây dựng đường thủy -Phương Thành thực hiện trong thời gian chỉ 715 ngày. Giá trúng thầu của gói thầu là hơn 1.043 tỷ đồng và gần 174,3 triệu yên. Gói thầu số 8 cũng dài 2 km, gồm một nút giao liên thông, hơn 500 m cầu,… do Liên danh Trường Sơn – Vạn Cường thi công trong 24 tháng, giá trị hơn 1.148 tỷ đồng.

Thi công cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Ảnh: P.Tư

Trong bối cảnh thời gian qua, hầu hết các dự án đường cao tốc lớn đều do các nhà thầu ngoại đảm nhiệm, nhưng tiến độ không được như mong muốn, thì việc các nhà thầu nội được tín nhiệm giao thầu tại 2 gói thầu này là điều hết sức có ý nghĩa. Theo ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây chia thành hai dự án thành phần. Ban đầu, dự án thành phần 1 (đoạn An Phú – vành đai II) giao TP.HCM đầu tư, còn VEC làm chủ đầu tư dự án thành phần 2 (vành đai II – Dầu Giây). Hiện dự án thành phần 2 đã thi công đạt giá trị sản lượng khoảng 60% và dự kiến hoàn thành, thông xe toàn bộ vào năm 2014. Tuy nhiên, do TP.HCM gặp khó khăn khi triển khai dự án thành phần 1, Bộ GTVT quyết định chuyển giao cho VEC làm chủ đầu tư.

Đây là dự án đường cao tốc trọng điểm quốc gia, việc thi công và hoàn thành sớm là hết sức quan trọng. Do dự án thành phần 1 triển khai muộn nên việc chọn được các nhà thầu có chất lượng có ý nghĩa quyết định tới việc đảm bảo tiến độ về đích của cả công trình. “Các nhà thầu được chọn thi công ở những gói thầu này đều là các nhà thầu chủ lực của Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng, thi công theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Chủ đầu tư và các nhà thầu cam kết sẽ huy động ở mức cao nhất về nhân lực, phương tiện để thi công, hoàn thành các gói thầu theo đúng tiến độ, chất lượng đã đề ra”- ông Tuấn Anh khẳng định.

Còn ông Lưu Đình Tiến, Tổng giám đốc, Tổng công ty Xây dựng đường thủy – đại diện cho các nhà thầu cho biết, dù là “lính thủy đánh bộ”, nhưng đơn vị đã có kinh nghiệm triển khai ở rất nhiều dự án giao thông lớn như đường HCM, đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, Cầu Giẽ – Ninh Bình,… Ngay sau khi hợp đồng được ký kết, nhà thầu sẽ tập trung huy động máy móc, thiết bị, nhân lực để bắt tay vào thi công. Các nhà thầu sẽ cam kết triển khai công trình đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kết cấu hạ tầng khác trong khu vực như cảng hàng không, cảng biển, tuyến nối đại lộ Đông – Tây,… Chính vì vậy, chủ đầu tư cần tăng cường việc quản lý, điều hành gói thầu một cách nhanh nhất, nhằm sớm đưa dự án vào khai thác, bảo đảm tính đồng bộ, liên hoàn. Nếu thông tuyến mà các gói thầu của dự án thành phần 1 chưa xong sẽ khai thác không đồng bộ, giảm hiệu quả. Do đó, các nhà thầu phải chứng minh được năng lực của mình bằng cách xây dựng tiến độ chi tiết, rút ngắn thời gian thi công, vượt mức cam kết trong hợp đồng để đưa công trình về đích sớm, đảm bảo chất lượng và mỹ thuật.

Nguồn: http://giaothongvantai.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *