Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn nút khởi công cầu Vàm Cống

Sáng 10/9, tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, Bộ GTVT, Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc EDCF và UBND tỉnh Đồng Tháp đã khởi công xây dựng cầu Vàm Cống – thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự và phát lệnh khởi công.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu nhấn nút khởi công công trình

Dự lễ khởi công còn có nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Tư lệnh Quân khu 9 – Thiếu tướng Nguyễn Phương Nam, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, lãnh đạo Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc, giám  đốc ADB tại Việt Nam…

Ông Dương Tuấn Minh – Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM) cho biết: Gói thầu xây dựng cầu Vàm Cống là một trong năm Hợp phần thuộc dự án Kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL. Đây là dự án góp phần hoàn thiện mạng lưới đường bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế và củng cố an ninh quốc phòng của khu vực Tây Nam Bộ có tổng chiều dài 78km đi qua địa phận Long An, Đồng Tháp, Cần thơ & An Giang.

Cầu  bắc qua sông Hậu thuộc địa phận H.Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp  và  Q.Thốt Nốt, Tp.Cần Thơ, cách bến phà Vàm Cống hiện hữu khoảng 2,5km về phía hạ lưu và cách cầu Cần Thơ khoảng 48km về phía thượng lưu.

Được sự chấp thuận của Bộ GTVT và EDCF, ngày 5/9/2013, Tổng công ty Cửu Long đã ký kết Hợp đồng xây dựng Gói thầu xây dựng cầu Vàm Cống với Liên danh Công ty GS E&C & HANSHIN E&C (Hàn Quốc) với thời gian thi công là 48 tháng. Tổng mức đầu tư dự án 271,58 triệu USD.

Dự án kết nối trung tâm ĐBSCL được đồng tài trợ của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Chính phủ Úc, Chính phủ Hàn Quốc và nguồn vốn đối ứng của CP Việt Nam.

“Trong 48 tháng sắp tới sẽ là khoảng thời gian lao động khẩn trương, miệt mài của các lực lượng trực tiếp tham gia xây dựng công trình, đồng thời cũng sẽ là quá trình phối hợp hoạt động của các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương đảm bảo cho công trình cầu Vàm Cống được thực hiện đúng kế hoạch. Là đơn vị được Lãnh đạo Bộ GTVT tin tưởng giao trách nhiệm trực tiếp quản lý điều hành dự án, thay mặt toàn thể CBCNV Tổng công ty Cửu Long xin hứa với Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo Bộ GTVT, Lãnh đạo các Bộ ngành, Địa phương & với toàn thể bà con cô bác trên địa bàn, bằng lòng nhiệt tình và kinh nghiệm của mình trong đó có cả những kinh nghiệm xương máu, CBCNV của Tổng công ty Cửu Long sẽ nỗ lực hết mình, nghiêm túc hết mình phối hợp chặt chẽ với các Tổ chức Tư vấn, Nhà thầu đảm bảo cho dự án xây dựng cầu Vàm Cống được thực hiện an toàn tuyệt đối, có chất lượng cao nhất và hoàn thành đúng tiến độ đề ra”- Ông Dương Tuấn Minh, khẳng định.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đại biểu tham quan hiện trường sẽ xây dựng cầu Vàm Cống

Không giấu niềm xúc động, ông Lê Minh Hoan – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phát biểu: Lễ khởi công xây dựng cầu Vàm Cống hôm nay không chỉ là ngày vui của người dân Đồng Tháp, mà là ngày vui chung của hàng triệu người dân ĐBSCL, những người đã mong chờ bởi sự kỳ vọng từ dự án này sẽ là bước đột phá cho sự phát triển mạnh mẽ về giao thông trong vùng cũng như trong khu vực. Trước đây Đồng Tháp là một vùng đất khuất nẻo, ngăn sông cách trở, hệ thống hạ tầng giao thông yếu kém, làm hạn chế việc đi lại, giao thương hàng hoá và thu hút đầu tư. Bằng quyết sách quan trọng, Chính phủ đã phê Quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long và dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng sông Mekông, tạo sự kết nối giao thông liên hoàn, trong đó có dự án cầu Vàm Cống.

“Thay mặt UBND tỉnh, tôi yêu cầu các ngành, các cấp, các địa phương và người dân trong vùng dự án hãy tạo những điều kiện thuận lợi nhất để chiếc cầu hoàn thành đúng tiến độ, và xin cảm ơn đồng chí Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Bộ trưởng Bộ GTVT; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các ngài Đại sứ, các ngài đại diện các tổ chức tài trợ, lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực đã quan tâm đến sự phát triển chung của ĐBSCL”-  Ông Hoan nói.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đây là cây cầu thứ 2 sau cầu Cần Thơ được bắc qua sông Hậu, là ước mơ bao đời của đồng bào ta, đồng bào ĐBSCL và bà con hai bờ sông Hậu của tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ. Đóng vai trò đặc biệt quan trọng cho phát triển khu vực ĐBSCL, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và an ninh quốc phòng.

Nhận thấy các nhu cầu cấp thiết nhiều năm qua, Chính phủ, Bộ GTVT, các bộ ngành liên quan đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để đầu tư xây dựng cầu Vàm Cống, từ khâu xây dựng qui hoạch, rồi thu xếp nguồn vốn và khởi công. Nước ta còn nghèo, để thu xếp được 271,58 triệu USD không hề đơn giản, mà hết sức gian nan.

“Tôi đánh giá cao Bộ GTVT, các bộ liên quan cùng phối hợp tốt với địa phương để có thể hoàn tất đủ điều kiện về pháp lý và đưa vào thực hiện.

Thay mặt Chính phủ, tôi cảm ơn các đóng góp của bạn bè quốc tế, cảm ơn Chính phủ Hàn Quốc, Australia. Hôm qua trong hội kiến với Tổng thống Hàn Quốc tôi đã nói lời cảm ơn, hôm nay một lần nữa tôi chân thành cảm ơn và cây cầu này xứng đáng là cầu của tình hữu nghị Việt – Hàn.

Tôi mong rằng các nhà thầu, Tư vấn giám sát làm việc nghiêm túc hiệu quả để 4 năm sau chúng ta sẽ có mặt ở đây để khánh thành, chủ đầu tư nói có thể rút ngăn tiến độ xuống 6 tháng, điều đó rất có ý nghĩa nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối” – Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng cho biết, dự kiến trong tháng 10/2013, cũng sẽ khởi công dự án cầu Cao Lãnh qua sông Tiền, qui mô cũng tương đương cầu Vàm Cống, cộng với kết nối hệ thống giao thông bộ QL91 Cần Thơ – Long Xuyên… sẽ phát huy hết hiệu quả mà các dự án hạ tầng đưa lại.

 

Phương tiện đã được các nhà thầu huy động sẵn sàng thi công bảo đảm tiến độ

Theo Thủ tướng, ĐBSCL là vựa lúa chiếm 90% sản lượng cả nước, hơn 70% nguồn thủy hải sản cả nước, chiếm 20% GDP cả nước nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, để phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vào năm 2020. Đảng, Nhà nước đã làm nhiều việc, nhưng quan trọng là khâu đột phá đầu tư vào kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại. Chính phủ đã phê duyệt qui hoạch hạ tầng giao thông , xây dựng hệ thống đường cao tốc Long Thành – Hồ Chí Minh – Dầu Giây, Cao tốc TPHCM – Trung Lương, Trung Lương – Mỹ Thuận… nâng cấp hệ thống QL1A, cầu Năm Căn, Cầu Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên… Ngoài ra còn nâng cấp, xây mới hệ thống các cảng hàng không hiện đại: Cần Thơ, Phú Quốc, Rạch Giá, Cà Mau…  đường thủy thì có kênh đào Quan Chánh Bố…

Từ những thuận lợi trên lãnh đạo các địa phương ĐBSCL phải nắm lấy đó làm động lực mà cố gắng tìm kiếm nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách như BT, BOT, PPP để xây dựng đường tỉnh, đường huyện gắn kết với hệ thống giao thông quốc gia, cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Kết thúc bài phát biểu Thủ tướng kêu gọi đồng bào hãy đóng góp một phần công sức, đất đai cho dự án, ủng hộ chủ trương chính sách vì lợi ích chung, Nhà nước sẽ thực hiện đúng quy định trong việc giải phóng mặt bằng, lo chỗ ở mới cho nhân dân chịu ảnh hưởng dự án.

Đại diện CDCF cũng cam kết sử dụng tối đa nguồn nhân lực, vật liệu tại chỗ, sự kiện khởi công hôm nay là món quà dành cho Tổng thống Hàn Quốc đang ở thăm Việt Nam, hy vọng thời gian tới Việt Nam sẽ trở thành là quốc gia điển hình trong việc thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ ODA.

Nguồn: http://giaothongvantai.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *