Hơn 3000 tỷ đồng xây dựng cầu Cao Lãnh

 Ngày 19-10, tại Đồng Tháp, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã khởi công xây dựng cầu Cao Lãnh thuộc dự án kết nối các trung tâm khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Cây cầu này sẽ thay thế phà Cao Lãnh khi được hoàn thành năm 2017.

Theo thông cáo báo chí từ Bộ GTVT, cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền để nối thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp. Phần cầu dây văng chính dài hơn 2km, có 4 làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế 80km/giờ.

Khởi công cầu Cao Lãnh (Ảnh Lê Thanh)

Đây là cây cầu lớn thứ hai (sau cầu Vàm Cống) trong dự án kết nối các trung tâm kinh tế của vùng ĐBSCL.

Tổng vốn đầu tư của cầu Cao Lãnh hơn 3.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc, vốn vay của ngân hàng Phát triển châu Á (ABD) và vốn đối ứng của Việt Nam.

Thời gian thi công dự kiến là 3 năm 7 tháng và dự kiến hoàn thành vào năm 2017.

Thông cáo báo chí của Cơ quan Phát triển quốc tế Úc (AusAID) dẫn lời ông Brett Mason, Quốc vụ khanh, phụ trách ngoại giao của Úc nói rằng, cầu Cao Lãnh sẽ trực tiếp mang lại lợi ích cho cuộc sống của 5 triệu người dân, thông qua việc kích thích đầu tư tư nhân và công nghiệp địa phương đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Khi hoàn thành vào năm 2017 cây cầu này có khoảng 170.000 người qua lại mỗi ngày.

Theo Bộ GTVT, để phát huy hiệu quả của dự án và đồng bộ hạ tầng vùng ĐBSCL, đặc biệt là đối với các cây cầu Cần Thơ, Vàm Cống và Cao Lãnh thì cần nâng cấp tuyến quốc lộ  91 nối từ Cần Thơ, An Giang và đường tránh thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Sơ đồ vị trí xây dựng cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống (Ảnh: TL TBKTSG Online)

Dự án kết nối giao thông khu vực trung tâm ĐBSCL dự kiến có số vốn đầu tư 860 triệu đô la Mỹ, trong đó 410 triệu đô la Mỹ được tài trợ từ nguồn vốn vay thông thường của ADB, và 160 triệu đô la Úc viện trợ không hoàn lại từ Cơ quan Phát triển quốc tế Úc (AusAID) để xây dựng cầu Cao Lãnh và các tuyến đường nối.

Ngoài ra, 260 triệu đô la Mỹ do Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc cung cấp sẽ được sử dụng để xây dựng cầu Vàm Cống và các tuyến đường nối. Việt Nam sẽ đóng góp 56 triệu đô la vào chi phí dự án.

ĐBSCL bị chia cắt bởi hai con sông là sông Tiền và sông Hậu. Mặc dù đã có cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền và cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu nhưng việc đi lại giữa các trung tâm khu vực ĐBSCL vẫn phải đi qua phà Vàm Cống ở sông Tiền và phà Cao Lãnh ở sông Hậu.

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *